TOP 5 nền tảng kiếm tiền từ short video tốt nhất hiện nay
Ngày 02 tháng 12 năm 2024
Short video (hay video ngắn) đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu. Sau sự cố “chậm chân” để Tiktok giành vị thế số 1 trên thị trường, Meta (Tập đoàn sở hữu Facebook, Instagram và Threads) đã cố gắng sửa sai bằng cách cho ra mắt sản phẩm Reels, cùng Google với sản phẩm Youtube Short cố gắng giành lại vị thế vốn có của mình. Cả 3 ông lớn trong ngành công nghệ giải trí đều đang cố gắng thu hút nhà sáng tạo nội dung và người dùng với những ưu đãi rất hấp dẫn, vì vậy, mức thu nhập của những người sản xuất video ngắn trong giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ vô cùng hấp dẫn.
1. Tiktok
Là nền tảng video ngắn số 1 trên thị trường Quốc tế, áp đảo tại Trung Quốc với cái tên Douyin và có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất tại Hoa Kỳ, khiến những ông lớn trong ngành như Youtube và Facebook phải nhanh chóng tìm phương án “chữa cháy”, Tiktok xứng đang đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách này.
Bên cạnh những hình thức kiếm tiền qua Tiktok vốn đã quen thuộc tại Việt Nam như bán hàng online trên Tiktok Shop, nhận Donate từ người theo dõi hay làm tiếp thị liên kết (affiliate), Tiktok còn trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung theo lượt xem. Hiện tại, Tiktok đang trả khoản chia sẻ lợi nhuận từ 2-4 cent (tương đương 0.02-0.04 USD) cho mỗi 1000 lượt xem video. Như vậy, có thể hiểu với mỗi video đạt 1.000.000 lượt xem, nhà sáng tạo / biên tập nội dung sẽ nhận về từ 20 – 40 USD (tương đương ~500.000vnđ - ~1.000.000vnđ theo tỷ giá hiện thời). Đây không phải mức chia sẻ thấp, tuy nhiên, điều kiện tham gia chương trình đối tác của Tiktok lại chỉ áp dụng ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Mỹ… chứ chưa hoạt động được tại Việt Nam. Đây là một điều khá đáng tiếc cho những video creator / editor đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, buộc họ phải tìm kiếm hình thức kiếm tiền khác bất lợi hơn trên nền tảng này.
2. Facebook / Instagram
Sinh sau đẻ muộn và có phần chắp vá với hy vọng “vớt vát” thị phần, sản phẩm Reels được công ty mẹ Meta áp dụng trên cả 2 nền tảng mạnh nhất của mình là Facebook và Instagram. Dù không phải một sản phẩm độc lập và chỉ được tích hợp trên các nền tảng sẵn có, nhưng Reels lại có lợi thế rất lớn nhờ vào tệp khách hàng khổng lồ lên tới hàng tỷ người dùng thường xuyên của Facebook và Instagram, trong đó phần lớn là những người dùng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ và hoàn toàn phù hợp với cả 2 yếu tố chính của ngành video ngắn: sản xuất và tiêu thụ. Hệ sinh thái của Facebook / Instagram giúp Reels gia tăng sức cạnh tranh và hiện tại cũng đang là một trong những cái tên có sức tăng trưởng ấn tượng trên thị trường nội dung số.
Hình thức kiếm tiền từ Reels cũng tương đối đa dạng với 02 hoạt động mà Meta đang cung cấp: quảng cáo chồng (overlay ads) và quảng cáo lặp (end screen ad). Facebook sẽ trả tiền cho nhà sáng tạo nội dung thông qua tổng số lượt xem quảng cáo trong tháng. Hình thức tính thu nhập cũng khá đa dạng với 02 cách tính: theo mỗi 1.000 lượt hiển thị (CPM) và theo số lượt click vào quảng cáo (CPC).
Tuy nhiên, rào cản tương đối lớn với những người mới bắt đầu hợp tác với nền tảng mạng xã hội số 1 toàn cầu là chính sách hợp tác khá nghiêm ngặt khi đòi hỏi nhà sáng tạo nội dung phải có tối thiểu 10.000 người theo dõi (follower), tối thiểu 30.000 lượt xem có thời lượng tối thiểu 60 giây và đạt tối thiểu 15.000 lượt tương tác từ người dùng thực tế trong 60 ngày để được xét duyệt. Về cơ bản, nền tảng Facebook hay Instagram Reels mang lại lợi nhuận tốt, tuy nhiên phù hợp với những người chuyên nghiệp, đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành sản xuất nội dung và quảng cáo hơn là người dùng cá nhân / bán chuyên nghiệp / nghiệp dư.
3. Youtube
Rơi vào vị thế kẻ bám đuổi ngay trên chính lĩnh vực mà mình đã thành công và độc chiếm thị trường trong suốt 2 thập kỷ là thất bại cay đắng nhất mà Youtube phải trải qua. Mặc dù vẫn duy trì phong độ là nền tảng mạng xã hội – video lớn nhất thế giới, thị phần video ngắn đã nằm ngoài tầm tay của Youtube. Khác với Facebook hay Instagram, hệ sinh thái của Google không mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh do sản phẩm dịch vụ phân mảnh, trải dài trên nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng mà hoàn toàn không liên quan trực tiếp tới việc chia sẻ video ngắn như Google Map, Gmail hay Google Drive…
Lợi thế duy nhất của Youtube với sản phẩm Youtube Short (mà sự vội vã trong chiến lược đã thể hiện ngay từ cái tên) là lượng người dùng với thói quen tiêu thụ video truyền thống khổng lồ đã từng tạo nên xu hướng Video on Demand – cuộc cách mạng giúp Youtube thay thế ngành Truyền hình. Mặc dù có điểm chạm tới số lượng lớn những người có nhu cầu xem video, tuy nhiên thói quen của 2 đối tượng người dùng tiêu thụ nội dung dài và nội dung ngắn lại tương đối khác nhau. Ý thức được những khó khan của mình khi cạnh tranh với các đối thủ, Youtube Partner Program (YPP – Chương trình đối tác của Youtube) đưa ra những yêu cầu “dễ thở” hơn so với Facebook: kênh đạt tối thiểu 1.000 subcriber (người đăng ký) và đạt tối thiểu 10.000.000 lượt xem trong 90 ngày gần nhất. Doanh thu được chia sẻ từ Youtube cũng được công khai với mức 45%, chưa tính tới các yếu tố liên quan tới bản quyền âm nhạc. Đây được đánh giá là mức lợi nhuận tương đối tốt nếu so sánh với các đối thủ cùng phân khúc, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng đối tác sáng tạo nội dung và có thể sẽ giảm xuống khi nền tảng đạt tới mức độ tăng trưởng nhất định.
4. Hotspot Matrix
Khác biệt hoàn toàn với những nền tảng kể trên khi nhà sáng tạo / biên tập nội dung video ngắn cần phải tự xây dựng chiến lược, kế hoạch nội dung để phục vụ việc thu hút người xem, Hotspot Matrix – nền tảng “đồng hương” của Tiktok nhận đơn hàng từ các doanh nghiệp lớn rồi phân bổ tới các video creator / editor và trả phí theo cam kết định mức đã đặt ra. Lợi thế của Hotspot Matrix trong giai đoạn hiện tại và ít nhất kéo dài tới tới 2030 là sự tăng trưởng nóng của ngành công nghiệp video ngắn khiến số lượng đơn đặt hàng đã vượt qua khả năng sản xuất của thị trường nội địa Trung Quốc, khiến các đơn vị gia công, sản xuất phải mở rộng đầu tư sang các nước có nguồn lao động có trình độ và chi phí thấp hơn.
Khác với Fiverr – nền tảng kết nối freelancer với những khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu, Hotspot Matrix cung cấp dịch vụ mang tính part-time / full-time hơn, do đó, khối lượng công việc định mức cao hơn, tuy nhiên cũng đem lại nguồn thu nhập tốt & ổn định hơn.
5. Fiverr
Fiverr – nền tảng cung cấp dịch vụ công việc trực tuyến đến từ Isreal là nơi kết nối những freelancer (người lao động tự do) có năng lực, trình độ trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Khác với những công việc biên tập video truyền thống, công việc biên tập video ngắn thường được các khách hàng yêu cầu theo số lượng từ 20-50 video theo mức chi phí được niêm yết.
Do đặc thù đối tượng người dùng của Fiverr là những người lao động tự do, công việc và thu nhập tại Fiverr phụ thuộc vào yêu cầu của sản phẩm, những yêu cầu này thay đổi thường xuyên về mặt nghiệp vụ do tính chất của khách hàng khác nhau. Do đó, công việc tại Fiverr mang lại sự thoải mái và linh hoạt trong thời gian làm việc, nhưng không cung cấp được sự ổn định đối với các nhà sáng tạo / biên tập video.